Đau đầu là một triệu chứng rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên. Nguyên nhân đau đầu có thể đơn giản, không gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh, tuy nhiên cũng có trường hợp nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng. Vậy làm sao phân biệt được cơn đau đầu nào là nguy hiểm, những nguyên nhân đau đầu thường gặp là gì? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
Đau đầu là một triệu chứng có tỷ lệ gặp phải rất cao đối với công dân toàn cầu. Người ta đã làm nghiên cứu và đưa ra được kết luận rằng, cứ 3 người thì sẽ có một người bị ít nhất một cơn đau đầu dữ dội vào thời điểm bất kì nào đó trong cuộc đời.
Năm 1983, Hiệp hội nhức đầu Quốc Tế (Internattional Headach Society – IHS) đã tổ chức lần họp thứ nhất tại Tây Đức và đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán cho từng thể đau đầu. Đến năm 1990, Hiệp hội IHS đã phân loại thành 13 nhóm nguyên nhân gây đau đầu. Chúng ta sẽ tìm hiểu theo 2 hướng là đau đầu cấp tính và đau đầu mạn tính.
Nguyên nhân gây đau đầu cấp tính
Đa số các trường hợp đau đầu cấp tính là do tổn thương thần kinh (trừ trường hợp người bệnh mắc bệnh glucom cấp và cơn tăng huyết áp kịch phát).
1. Đau đầu do chảy máu não và chảy máu màng não
Các dấu hiệu để nhận biết đau đầu do chảy máu não hay chảy máu màng não:
- Đau đầu: Khởi phát đột ngột, dữ dội
- Buồn nôn, nôn
- Bệnh nhân rối loạn ý thức
- Bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu thần kinh khu trú như: Liệt chi, liệt nửa người, thất ngôn, nói khó, nuốt khó, sụp mi, giật nhãn cầu….
- Cần chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để chẩn đoán xác định.
2. Đau đầu do viêm màng não cấp
Đau đầu do viêm màng não cũng là bệnh lý không hiếm gặp ở Việt Nam. Tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn hoặc virus. Dấu hiệu nhận biết chủ yếu có:
- Bệnh nhân đau đầu dữ dội
- Bệnh nhân có sốt
- Bệnh nhân nhiều khi nôn vọt, nôn nhiều
- Bệnh nhân có thể có táo bón
- Cứng gáy: Khi cả đầu và thân bệnh nhân cùng nằm trên một mặt phẳng, cằm người bệnh không chạm được vào ngực, người khám thấy cổ bệnh nhân cứng và bệnh nhân thấy đau.
- Chẩn đoán xác định: cần chọc dò tủy sống làm xét nghiệm.
3. Đau đầu do viêm tắc mạch não
Nếu đau đầu do viêm tắc mạch não thường xảy ra sau đẻ hoặc từ một ổ nhiễm trùng ở các xoang vùng hàm mặt. Các dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc nhiều vào vị trí viêm tắc. Bệnh lý này cũng gây đau đầu dữ dội, đột ngột.
4. Nguyên nhân đau đầu do cơn tăng huyết áp kịch phát
Cơn tăng huyết áp kịch phát gây tăng áp lực lên các mạch máu của cơ thể, trong đó có mạch máu não. Nếu cơn tăng huyết áp nghiêm trọng, áp lực quá lớn có thể gây chảy máu não và gây hậu quả nặng nề. Cần đo huyết áp tất cả người bệnh đau đầu để loại trừ nguyên nhân này.
5. Đau đầu ở những bệnh nhân có bệnh glaucom góc đóng
Glaucom góc đóng là bệnh lý thuộc nhãn khoa. Tuy nhiên có thể gây triệu chứng đau đầu. Biểu hiện của bệnh này là:
- Đau đầu dữ dội trước trán và hố mắt hai bên
- Cảm giác như mắt bị đẩy lồi ra
- Bệnh nhân kèm theo giảm thị lực
- Đôi khi liệt vận nhãn bệnh nhân không đưa mắt nhìn theo hướng vật chuyển động được
- Đồng tử có thể bị biến dạng
- Vào viện khi các bác sĩ đo nhãn áp sẽ thấy nhãn áp tăng cao
6. Nguyên nhân đau đầu do bệnh Horton
Bệnh Horton (hay còn hiểu là bệnh viêm động mạch toàn thân) rất thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi. Bệnh nhân có thể bị mù nếu bệnh tiến triển. Các dấu hiệu của bệnh Horton cần chú ý:
- Thường đau ở vùng thái dương, một hoặc hai bên, đau hay gặp về đêm khiến người bệnh mất ngủ.
- Có thể có triệu chứng sốt
- Có thể giảm hoặc mất thị lực một bên
7. Áp xe não cũng là nguyên nhân gây đau đầu
Ở người bị áp xe não, nhức đầu thường đi theo với dấu hiệu nhiễm khuẩn, phối hợp với các dấu hiệu tổn thương thần kinh khác tùy vào vị trí của ổ áp xe trong não.
Nguyên nhân gây đau đầu mạn tính
7. U não
Người có khối u trong não thường biểu hiện đau đầu mạn tính với các triệu chứng có thể gặp như:
- Đau đầu dai dẳng, kéo dài, đau tăng lên theo thời gian, đau tăng khi làm việc gắng sức hay thay đổi tư thế.
- Có thể kèm các dấu hiệu thần kinh tùy vị trí khối u như liệt nửa người, liệt chi, tê bì, dị cảm, sụp mi,…
- Trường hợp đặc biệt: Khối u não thất sẽ gây nghẽn lưu thông dịch não tủy gây đau đầu kịch phát, dữ dội. Ngoài ra còn trường hợp chảy máu trong u ở giai đoạn muộn.
8. Đau đầu Migrain (Đau nửa đầu)
Đau đầu Migrain cũng là bệnh lý rất hay gặp. Bệnh được mô tả lần đầu tiên bởi tiến sĩ Bickerstaff và được coi là một loại đau đầu chưa biết rõ nguyên nhân. Đau đầu Migrain gặp ở đối tượng là nữ giới nhiều hơn nam giới, tỷ lệ là 2/1, thường xuất hiện ở những người dưới tuổi 45, bệnh có thể là ảnh hưởng từ yếu tố gia đình. Biểu hiện của bệnh khá điển hình là:
- Bệnh đau nửa đầu vừa hoặc dữ dội, có thể lần lượt đổi bên
- Bệnh nhân mệt mỏi
- Cơn đau thường kéo dài từ 4-72 giờ và có ít nhất 5 cơn đã xuất hiện
- Đau tăng khi gắng sức: Khi trong cơn đau có thể kèm nôn, buồn nôn hoặc sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
9. Đau đầu do vấn đề mạch máu vùng mặt
Bệnh hay gặp ở người lớn và người trẻ tuổi. Theo thống kê, khoảng 2/3 số trường hợp gặp ở đối tượng 20 đến 30 tuổi, tỷ lệ nam/ nữa là 6/1, bệnh không có tính chất di truyền gia đình, dòng họ.
Bệnh thường biểu hiện đau ở một bên, cố định, khởi phát bắt đầu ở vùng mắt, lan lên phần trán và thái dương, má và răng vị trí hàm phía trên. Cơn đau đầu tăng nhanh sau vài phút, cảm giác đau đớn dữ dội, rát bỏng. Mỗi cơn như vậy thời gian kéo dài từ 15 đến 20 phút và các cơn có thể lặp lại nhiều lần trong ngày, diễn ra trong nhiều tuần (khoảng từ 2 đến 12 tuần).
Ngoài các triệu chứng đau đầu điển hình, người bệnh có thể kèm theo các vấn đề như chảy nước mắt, chảy nước mũi, đỏ mi, phù mi, vã mồ hôi nhiều, bệnh nhân có cảm giác buồn nôn và có thể nôn.
10. Đau đầu do căng thẳng quá độ
Đau đầu do căng thẳng hay còn được hiểu là đau đầu tâm lý, đây cũng là một trong những nguyên nhân đau đầu thường gặp. Triệu chứng đau thường biểu hiện là:
- Đau hàng ngày, kéo dài liên tục trong vòng nhiều tháng, thậm chí có thể kéo dài hàng năm. Khi căng thẳng, lo nghĩ, buồn bực thì sẽ đau đầu tăng lên, khi nghỉ ngơi thoải mái có thể giảm đi.
- Đau đầu thường đối xứng 2 bên ở vùng cổ và vùng chẩm.
- Bệnh nhân không có dấu hiệu nôn hay buồn nôn.
- Cảm giác đau này không ảnh hưởng ăn ngủ và sinh hoạt bình thường của người mắc phải.
- Người bệnh có dấu hiệu thường xuyên lo lắng, buồn bực hay bệnh trầm cảm.
- Tuy nhiên để chẩn đoán cần có sự đánh giá của bác sĩ và xét nghiệm bình thường.
11. Đau đầu sau chấn thương
Đau đầu sau chấn thương rất khó để nhận biết đó là đau đầu nguy hiểm do biến chứng, hậu quả từ chấn thương hay đau đầu đợt này không liên quan đến chấn thương.
- Về cơ bản, nếu đau đầu nhẹ kèm các cảm giác chủ quan như mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, hồi hộp, lo lắng thì đó có thể không phải là dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng, nhưng người bệnh vẫn cần tới viện để điều trị các nghiệm pháp tâm lý.
- Nếu sau chấn thương vài tuần hoặc vài tháng, bệnh nhân đau đầu kèm quên, lẫn, thấy buồn nôn, liệt nhẹ nửa người một hoặc hai bên thì đây có thể là dấu hiệu tụ máu dưới màng cứng của não cần đi khám ngay.
12. Một vài nguyên nhân gây đau đầu ảnh hưởng từ cơ quan khác có thể gặp
- Đau đầu do có các bệnh lý vùng cổ: viêm đa khớp, thoái hóa đốt sống cổ, loãng xương,…
- Đau đầu do các bệnh về mắt: Glaucom góc đóng, tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị,…
- Đau đầu do bệnh tai-mũi-họng: viêm xoang cấp, viêm xoang mãn, viêm tai giữa, ung thư vòm,…
- Đau đầu do bệnh lý răng – hàm – mặt: sâu răng
- Đau đầu do các bệnh lý nội khoa khác: Ngộ độc rượu, heroin; sốt, dùng thuốc tránh thai,…
Đau đầu thế nào phải vào viện ngay?
Như đã trình bày ở trên, có 12 nguyên nhân chính gây đau đầu thường gặp, có nguyên nhân không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người bệnh, nhưng cũng có nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng. Nếu không thể nhận biết được, bạn nên đi khám khi cơ thể có dấu hiệu bất thường. Những dấu hiệu sau bạn nhất định phải nhớ để đi viện ngay khi gặp phải:
- Xuất hiện cơn đau đầu dữ dội, đột ngột, lần đầu tiên
- Bệnh nhân đã có cơn đau đầu cũ nhưng lần này cơn đau diễn biến bất thường, không giống những lần trước đó
- Nhức đầu Migrain tái diễn nhiều lần, luôn ở một bên
- Nhức đầu xuất hiện từ từ, tăng dần theo thời gian
- Đau đầu kèm theo các triệu chứng khác như: Sốt, nôn, có cơn động kinh, rối loạn ý thức, liệt vận động
- Bệnh nhân bị chấn thương sọ não thời gian điều trị tới thời điểm hiện tại chưa được 6 tháng
- Bệnh nhân có các bệnh lý suy giảm miễn dịch cơ thể kèm theo
Một số bài viết liên quan cùng chuyên mục đọc giả có thể tham khảo:
- Chữa đau đầu tại nhà không cần thuốc với 8 phương pháp đơn giản, tiết kiệm
- 10 nguyên nhân chóng mặt hoa mắt hàng đầu bạn cần chú ý
- Đột quỵ: Dấu hiệu nhận biết và sơ cứu ban đầu
Với bài viết trên đây, BlogAnChoi hy vọng đã mang lại những thông tin hữu ích, thiết thực tới độc giả. Đừng quên tiếp tục theo dõi và ủng hộ chuyên mục Sức Khỏe của BlogAnChoi các bạn nhé!
https://ift.tt/2OdhkCc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét